Trong quý I/2021, mặc dù nền kinh tế của tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân trong việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, đặc biệt là thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” - là vừa kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh các giải pháp phục hồi kinh tế, đảm bảo đời sống của nhân dân trên địa bàn; tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì phát triển; gieo trồng vụ Đông Xuân 2020-2021 vượt kế hoạch đề ra; giá cả một số sản phẩm cây công nghiệp, nông nghiệp đã có dấu hiệu tăng trở lại (như hồ tiêu hạt, cà phê nhân, mía nguyên liệu và thịt heo hơi,...); dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát, ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng mạnh do các nhà máy điện hoạt động ổn định; thu hút đầu tư nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nhiều dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động, phát điện thương mại; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng so với cùng kỳ năm 2020. Các hoạt động văn hóa, thể thao, giải quyết việc làm và an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện, bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân trên địa bàn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
Tuy nhiên, do dịch covid-19 bùng phát trở lại tại một số địa phương, nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh chịu ảnh hưởng cả trực tiếp lẫn gián tiếp, đặc biệt là du lịch, tiêu dùng, vận tải; các hoạt động kinh doanh dịch vụ kèm theo như lữ hành, ăn uống, lưu trú du lịch, tham quan trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, số lượng khách du lịch ngoài tỉnh, khách nước ngoài đến tỉnh giảm; các hoạt động tham quan du lịch, hoạt động lễ hội, thể thao, tổ chức sự kiện bị tạm dừng hoặc hủy bỏ, kéo theo các hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải, lữ hành, dịch vụ ăn uống, lưu trú,… cũng bị thiệt hại. Bên cạnh đó, xuất khẩu giảm, nhiều thị trường nước ngoài đóng cửa; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ít có đơn hàng mới và bị giãn tiến độ giao hàng, sức tiêu thụ chậm.
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
-Sản xuất vụ Đông xuân 2020-2021: Vụ Đông Xuân 2020-2021, toàn tỉnh đã gieo trồng được 63.950 ha/53.580 ha kế hoạch, vượt 19,35% so với kế hoạch (KH), tăng 2,54% so với chính thức năm trước, trong đó lúa nước 44.596 ha, vượt 20,53% so với KH, tăng 4,97% so với chính thức năm trước; ngô 3.609 ha, vượt 8,05% so với KH, giảm 4,66%; khoai lang 2.460 ha, vượt 25,51% so với KH, tăng 1,16%; sắn 2.062 ha, đạt 97,26% so với KH, giảm 23,95%; mía 1.294 ha, vượt 29,40% so với KH, tăng 35,07%; thuốc lá 697 ha, vượt 20,17% so với KH, tăng 12,42%; đậu các loại 1.074 ha, đạt 85,23% so với KH, giảm 6,60%; rau các loại 4.811 ha, vượt 32,90% so với KH, giảm 11,55%( ); cây thức ăn gia súc 2.716 ha, tăng 9,87% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước là do thời tiết thuận lợi, độ ẩm cao, một số vùng có mưa sớm, bên cạnh đó công tác thủy lợi đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho cây trồng, nhất là cây lúa.
Thu hoạch sớm Vụ Đông Xuân 2020-2021: Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đang thu hoạch trà lúa Đông Xuân sớm và một số cây trồng khác. Ước sản lượng lúa năm nay đạt 323.586 tấn, tăng 3,29% so với chính thức năm trước; năng suất ước đạt 72,56 tạ/ha. Sản lượng ngô đạt 20.666 tấn, giảm 0,33%; năng suất ước đạt 57,27 tạ/ha, tăng 3,84%. Khoai lang đạt 52.091 tấn, tăng 2,04%; năng suất 211,74 tạ/ha, tăng 0,89%...
- Sản xuất vụ Hè Thu 2021: Tính đến ngày 16/5, toàn tỉnh đã gieo trồng 5.500 ha cây trồng vụ Hè thu, trong đó chủ yếu là diện tích ngô với 3.300 ha, đậu đỗ các loại là 2.100 ha. Các địa phương đang khẩn trương gieo tỉa các loại cây màu cho kịp mùa vụ.
- Cây lâu năm: Hiện nay cây cà phê đang được đầu tư chăm sóc, tỉa cành, tạo tán ..., năm nay giữa mùa khô có nhiều trận mưa trái vụ nên dồi dào nguồn nước tưới, sâu bệnh có xảy ra rải rác nhưng đã được kiểm soát chặt chẽ nên không xảy ra trên diện rộng. Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các vườn cao su đã bắt đầu khai thác trở lại sau chu kỳ thay lá. Sản lượng mủ cao su khai thác ước tháng 5/2021 là 6.533 tấn, tính chung 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng cao su khai thác là 10.213 tấn (chủ yếu của 03 công ty cao su là 9.290 tấn, cao su tiểu điền 923 tấn). Do giá mủ cao su vẫn ở mức thấp nên cao su tiểu điền hầu như không khai thác hết theo chu kỳ. Toàn tỉnh đã thu hoạch xong cây tiêu. Ước sản lượng tiêu năm nay đạt 76.576 tấn, so với cùng kỳ năm trước giảm 0,49%. Giá hồ tiêu tại Đắk Lắk đang dao động từ 56.000 đồng – 80.000 đồng/kg. Giá tiêu tăng cao sau nhiều năm liên tục giảm đã đem lại sự hào hứng, phấn khởi cho người trồng tiêu. Ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo người dân, trong thời điểm giá hồ tiêu tăng bất thường như hiện nay, người nông dân không nên vì giá tăng mà ồ ạt mở rộng diện tích trồng hồ tiêu.
- Công tác chăn nuôi, thú y: Ước số lượng đàn trâu là 29.100 con, giảm 26,53% so với cùng kỳ năm trước nguyên nhân giảm là do nuôi trâu lấy thịt không có hiệu quả kinh tế, người dân cũng không sử dụng sức kéo nhiều mà thay thế bằng các máy móc hiện đại hơn. Ước số con xuất chuồng trong tháng 5/2021 là 1.560 con, giảm 7,69%; Sản lượng thịt trâu xuất chuồng ước đạt 390 tấn, giảm 5,80%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021 sản lượng thịt trâu xuất chuồng là 1.022,7 tấn, giảm 11,84% so với cùng kỳ năm trước;
Đàn bò hiện có 245.352 con, giảm 7,96% so với cùng kỳ năm trước, do các đồng cỏ tự nhiên hiện nay ngày càng hạn hẹp, nguồn thức ăn không đủ nên quá trình tái đàn gặp nhiều khó khăn. Ước số con xuất chuồng trong tháng 5/2021 là 6.940 con, tăng 0,95%, sản lượng thịt bò xuất chuồng là 1.405 tấn, tăng 2,18%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 7.741 tấn, tăng 2,56% là do hiện nay giá thịt lợn vẫn còn cao người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang tiêu thụ nhiều các thực phẩm khác ngoài thịt lợn nên sản lượng thịt bò vẫn tăng nhiều sau dịp lễ tết;
Đàn lợn hiện có 900.120 con, so với cùng kỳ năm trước tăng 8,55%. Ước số con xuất chuồng trong tháng 5/2021 là 242.000 con, tăng 5,40%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng là 17.817 tấn, tăng 7,69%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, số con xuất chuồng 757.659, tăng 3,88% sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 61.596 tấn, tăng 4,01% so với cùng kỳ năm trước.
Đàn gia cầm hiện có 13.450 nghìn con gia cầm, so với cùng kỳ năm trước tăng 16,04%. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng trong tháng 5/2021 là 4.200 tấn, tăng 5,0%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng là 19.156 tấn, tăng 4,54%.
- Lâm nghiệp: Ước tính trong tháng 5/2021, toàn tỉnh đã khai thác được 26.570 m3, tăng 0,26% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng gỗ đã khai thác là 142.970 m3, tăng 17,98% so với cùng kỳ năm trước là do diện tích rừng trồng đưa vào khai thác tăng mạnh.
Phát triển rừng: Hiện nay chưa bước vào vụ trồng rừng, tuy nhiên ngành nông nghiệp đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc để chuẩn bị thực hiện trồng rừng năm 2021, trong đó tập trung hướng dẫn quyết liệt các giải pháp như chú trọng trồng mới rừng sản xuất; đẩy mạnh thâm canh, chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng phát triển rừng. Kế hoạch trồng rừng năm 2021, dự kiến với tổng diện tích trồng mới là 1.817 ha. Trong đó trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 73 ha, trồng rừng sản xuất 1.744 ha.
- Thủy sản: Tình hình sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh tương đối thuận lợi, mực nước trên các ao hồ, sông suối có giảm nhưng không đáng kể nên phần nào đã tạo lợi cho nuôi trồng thủy sản. Ước tính diện tích nuôi trồng thủy sản tính đến tháng 5 năm 2021 là 2.877 ha, tăng 3,49% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có mưa đều, người dân đang tập trung thả cá giống cho vụ mới. Sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước tháng 5 năm 2021 là 1.277,92 tấn, tăng 3,78% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng là 1.172,36, tăng 4,25%; sản lượng khai thác là 105,56 tấn, giảm 1,17%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt 7.092,19 tấn, tăng 4,50% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng thủy sản nuôi trồng ước là 6.238,81 tấn, tăng 4,79%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 853,38 tấn, tăng 2,48%. Sản xuất giống thủy sản ước 141,10 triệu con, tăng 1,29%. Hiện nay, các lồng bè nuôi cá trên địa bàn toàn tỉnh đã thu hoạch xong, các hộ dân đang tập trung cải tạo và vệ sinh lồng bè nhằm phục vụ cho việc nuôi thả cá vụ mới.
Tình hình kinh tế xã hội tỉnh Đắk Lắk trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, các cơ quan, ban, ngành đã triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của UBND tỉnh, đảm bảo an ninh, an toàn trụ sở cơ quan; an ninh trật tự, an toàn xã hội, không để xảy ra các vụ gây rối trật tự công cộng; kịp thời hỗ trợ lương thực từ nguồn của Trung ương và địa phương đúng đối tượng, đúng quy định, không xảy ra tình trạng người dân bị thiếu đói; các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh đã bố trí đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế trực ban, đảm bảo đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị khám, chữa bệnh vào mọi thời điểm trong dịp Tết; kịp thời thực hiện các biện pháp cách ly đối với trường hợp đến từ vùng dịch; tạm dừng các hoạt động tập trung đông người trong không gian kín (hoạt động tôn giáo, tiệc liên hoan, sinh nhật, hội nghị...), các hoạt động chào mừng năm mới có quy mô lớn tập trung đông người (Chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa đêm giao thừa, chương trình gặp mặt đại diện Văn nghệ sỹ, trí thức và báo giới đầu năm…) để kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19 lây lan trong cộng đồng.
Thị trường hàng hóa bình ổn, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên sức mua của người dân giảm so với các năm trước đây; Một số ít địa phương ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn vẫn còn tình trạng đốt pháo rải rác nhưng giảm nhiều so với dịp Tết Canh Tý 2020.
- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
- Sản xuất vụ Đông xuân 2020-2021
Tính đến ngày 16/02, toàn tỉnh đã gieo trồng được 58.192 ha/53.580 ha kế hoạch, vượt 8,60% so với kế hoạch (KH), giảm 6,70% so với chính thức năm trước, trong đó lúa nước 41.500 ha, vượt 12,16% so với KH, giảm 2,33% so với chính thức năm trước; ngô 3.510 ha, tăng 5,09% so với KH, giảm 7,27%; khoai lang 2.400 ha, vượt 22,44% so với KH, giảm 1,32%; sắn 1.710 ha, vượt 67,31% so với KH, giảm 36,93%; mía 900 ha, đạt 90,00% so với KH, giảm 6,06%; thuốc lá 237 ha, đạt 40,86% so với KH, giảm 61,78%; đậu các loại 1050 ha, đạt 83,33% so với KH, giảm 2,27%; rau các loại 4.550 ha, vượt 25,69% so với KH, giảm 16,34%; cây hàng năm khác 2.572 ha, đạt 95,25% so với KH (Trong đó cây thức ăn gia súc 1.610 ha, giảm 14,14% so với chính thức năm trước).
Tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng diễn biến ở mức độ nhẹ, ít ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng các loại cây trồng. Mặc dù vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tăng cường theo dõi dịch bệnh của các loại cây trồng để có biện pháp phòng trừ hiệu quả, chỉ đạo các địa phương cùng các cơ quan ban ngành tăng cường công tác kiểm tra giám sát mua bán thuốc BVTV, cử cán bộ hướng dẫn cho bà con cách sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật một cách có hiệu quả cao, không gây ô nhiễm môi trường.