Lịch sử hình thành & phát triển Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk

         Đối với ngành Thống kê Đắk Lắk, ngay từ những ngày đầu sau giải phóng TCTK đã tăng cường cho tỉnh Đắk Lắk đoàn cán bộ làm công tác thống kê, đó là những ông: Phạm Phước Thái, ông Nguyễn Quốc Cường và một số cán bộ từ miền Bắc vào để tiến hành điều tra tình hình cơ bản các tỉnh thuộc khu V và đào tạo đội ngũ cán bộ thống kê, kế toán đầu tiên cho ngành Thống kê và các Ty, ban, ngành, các đơn vị hành chính của tỉnh.

          Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 18 tháng 6 năm 1976 Chi cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk được thành lập theo Quyết định số 138-QĐ/TC của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk. Ông Phạm Phước Thái, phụ trách bộ phận Thống kê thuộc Ủy ban Kế hoạch tỉnh Đắk Lắk được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định giữ chức Chi cục phó, phụ trách Chi cục TK, ông Nguyễn Quốc Cường giữ chức Chi cục phó. Tổng số cán bộ Văn phòng Chi cục Thống kê có 20 người. Địa điểm làm việc tại số 59 - đường Lý Thường Kiệt – Thị xã Buôn Ma Thuột; tháng 11/1978, sau thời gian xây dựng, Chi cục Thống kê chuyển về trụ sở mới tại số 19 đường Lê Duẩn, TP Buôn Ma Thuột cho đến hiện nay. Về tài sản trong thời kỳ này, có 01 chiếc xe Zeep, 01 máy in roneo, 07 chiếc máy đánh chữ, 15 tủ đựng tài liệu các loại, 15 bộ bàn ghế làm việc.

          Đối với cấp huyện, bộ phận Thống kê trực thuộc Ban Kinh tế - Kế hoạch các huyện, bộ phận Thống kê cấp huyện đặt dưới sự chỉ đạo toàn diện của UBND huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo của Chi cục Thống kê tỉnh về chuyên môn nghiệp vụ.

          Đối với cấp xã, công tác thống kê do ủy viên Ủy ban xã phụ trách, có cán bộ thống kê đảm nhận.

          Căn cứ Nghị định số 72/CP ngày 05/4/1974 của Hội đồng Chính phủ về việc ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng cục Thống kê. Điều 3 của Điều lệ ghi rõ “Tổng cục Thống kê quản lý tập trung thống nhất hệ thống tổ chức Thống kê Nhà nước bao gồm từ Trung ương đến cấp huyện”. Như vậy đến cuối năm 1977, hệ thống tổ chức của ngành Thống kê trong cả nước đã được xây dựng hoàn chỉnh từ cấp Trung ương đến cấp huyện gồm: Tổng cục Thống kê, Chi cục Thống kê tỉnh, thành phố và phòng Thống kê cấp huyện.       

         Những năm 1977 - 1985 khi bộ máy thống kê quản lý theo ngành dọc từ Trung ương đến huyện, ngành Thống kê tập trung vào việc nghiên cứu xây dựng các chế độ ghi chép ban đầu và hạch toán thống nhất, tăng cường công tác xét duyệt hoàn thành kế hoạch, củng cố chế độ báo cáo ước tính và báo cáo chính thức, và mở rộng hình thức thu thập số liệu bằng điều tra thống kê, nhất là điều tra cơ bản phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1976-1980, 1981-1985).

 

          Về tên gọi từ khi thành lập đến 1983 là Chi cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk, đến năm 1984 đổi thành Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk; Văn phòng Cục có 5 phòng: Phòng Tổng hợp - Cân đối, phòng Công Thương, phòng Nông nghiệp, phòng Tổ chức, phòng Hành chính và 09 phòng Thống kê huyện, thị xã. Công tác tổ chức cán bộ thời gian này liên tục bổ sung cả số lượng và chất lượng, thời điểm 30/12/1976 tổng biên chế toàn ngành có 20 người, đến thời điểm 31/12/1985 tăng lên 96 người. Trong đó văn phòng Cục có 44 người, thống kê cấp huyện 52 người (phòng có biên chế nhiều nhất là phòng Thống kê Thị xã Buôn Ma Thuột 10 người, phòng ít nhất là 04 người).

          Năm 1988, thực hiện việc sắp xếp lại tổ chức và tinh giản biên chế theo Thông báo 46/TB-TW của Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính Phủ). Tại địa phương, năm 1989 UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định về việc hợp nhất Ủy ban Kế hoạch và Chi cục Thống kê thành Ủy ban Kinh tế - Kế hoạch – Thống kê. Trong thời gian này, với việc thực hiện tinh giản biên chế nhiều cán bộ đã thôi việc và thuyên chuyển công tác khác, đến năm 1989 tổng số CBCNV toàn ngành chỉ còn 60 người, giảm gần 38%.

           Đối với thống kê cấp huyện trước khi sáp nhập và bàn giao về địa phương quản lý mô hình tổ chức là phòng Thống kê, sau khi sáp nhập mô hình tổ chức phổ biến là Phòng Kế hoạch - Thống kê và sau đó là Phòng Tài chính - Kế hoạch. 

          Sau 2 năm thực hiện sáp nhập, sắp xếp lại tổ chức, hiệu quả công tác và việc đảm bảo thông tin bị giảm sút do đó năm 1991, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 579/QĐ-UB ngày 23/12/1991 tách Thống kê ra khỏi Ủy ban Kinh tế - Kế hoạch – Thống kê, thành Chi cục Thống kê trực thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk. Riêng Thống kê cấp huyện vẫn giữ như mô hình cũ.

          Năm 1994, thi hành Nghị định số 23/CP ngày 23/3/1994 của Chính phủ, Thông tư liên Bộ số 245/TT-LB ngày 15 tháng 6 năm 1994 của Ban Tổ chức Cán bộ - Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) và Tổng cục Thống kê, ngành Thống kê quản lý theo ngành dọc từ TW đến cấp huyện; Tổng cục Thống kê có Quyết định số 39/QĐ-TCTK ngày 18/4/1994 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Lúc này Chi cục Thống kê đổi tên thành Cục Thống kê đồng thời Cục Thống kê có quyết định thành lập các phòng Thống kê cấp huyện.

         Ngay trong năm 1994, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành, Cục Thống kê đã tiếp nhận mới 05 cán bộ và nhận lại số biên chế đã giảm năm 1989. Tổng số công chức toàn ngành lúc này là 79 người, trong đó Văn phòng Cục  34 người, thống kế cấp huyện 45 người.

         Thời kỳ 1997 đến nay: Đây là thời kỳ đánh dấu sự phát triển tăng tốc về kinh tế, khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã có tác động lớn đến sự đổi mới và phát triển của Ngành Thống kê cả nước nói chung và Thống kê Đắk Lắk nói riêng. Luật Thống kê ra đời và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2004, hoạt động của Ngành Thống kê trong thời kỳ này đã được đổi mới cả về nội dung, phương pháp, hình thức theo hướng đa dạng hóa về chủng loại trên cơ sở đảm bảo 5 nguyên tắc: Trung thực, khách quan, đầy đủ, chính xác và kịp thời; kết hợp chặt chẽ giữa công tác số liệu, phân tích và dự báo thống kê.

         Trong thời kỳ này, ngoài việc triển khai thực hiện các chế độ báo cáo và tổ chức các cuộc điều tra thống kê định kỳ và đột xuất theo quy định của Tổng cục Thống kê.  Cục Thống kê đã phối hợp các ngành, các địa phương tiến hành thành công 4 cuộc Tổng Điều tra Dân số và nhà ở (năm 1979, 1989, 1999 và 2009); 4 cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản (năm 1994, 2001, 2006 và 2011) và 4 cuộc Tổng điều tra CSKT-HCSN (năm 1997, 2002, 2007 và 2012).

         Ngày 26/11/2003, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 22/2003/QH11 tỉnh Đắk Lắk tách thành hai tỉnh là Đắk Lắk và Đắk Nông, đơn vị cấp huyện của tỉnh Đắk Lắk giảm còn 13 huyện, thành phố; 6 huyện chuyển sang tỉnh Đắk Nông. Đến ngày 01/01/2004, số lượng công chức Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk được điều động sang Đắk Nông là 27 người, trong đó VPC 07 người, phòng Thống kê cấp huyện 20 người; số công chức Cục Thống kê Đắk Lắk lúc bấy giờ là 77 người, trong đó Văn phòng Cục 25 người, phòng Thống kê cấp huyện 52 người.

         Từ tháng 11/2010, căn cứ Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg ngày 24/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ, về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phòng Thống kê cấp huyện chính thức đổi tên thành Chi cục Thống kê huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Cục Thống kê.

         Đến ngày 31/12/2015 ngành Thống kê Đắk Lắk gồm 15 đơn vị cấp huyện và 7 phòng nghiệp vụ Văn phòng Cục với tổng số công chức, người lao động là 108 người, trong đó VPC 33 người, Chi cục Thống kê các huyện, thị xã, thành phố 75 người.

Khối Văn phòng Cục - Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk

- Ông Đỗ Tấn Xuân - Cục trưởng  (hàng đầu, vị trí thứ 6 từ phải sang)

- Ông Nguyễn Quang Phước - Phó Cục trưởng (hàng đầu, vị trí thứ 7 từ phải sang)

Image